Monday, March 30, 2015

[REVIEW SÁCH] CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM

Thông tin
Tựa sách: Cuộc cách mạng một cọng rơm
Tác giả: Masanobu Fukuoka
Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh, PHOENIX BOOK, Xanh Shop
Biên dịch: Xanh Shop — Hiệu Đính: Hoàng Hải Vân
Giá tiền: 79k

Cách mạng xanh và cách mạng một cọng rơm
Vào thập niên 1940 – 1960 Cách mạng xanh ra đời giúp con người đủ lương thực đối phó với bùng nổ dân số. Cũng trong thời gian ấy một người Nhật – ngài Masanobu Fukuoka – thực hiện, minh chứng một phương pháp nông nghiệp khác, nông nghiệp tự nhiên. So sánh giữa nông nghiệp hiện đại (dựa trên cách mạng xanh) và nông nghiệp tự nhiên (cách mạng rơm, :D), ta thấy có mấy điểm chú ý sau:
Nông nghiệp hiện đại sử dụng hoá chất, phân bón, cơ giới hoá ruộng đồng, dùng các loại giống được biến đổi. Lợi ích ngay trước mắt là tăng nhanh về sản lượng trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu của con người. Hậu quả là nông sản ngày càng giảm chất lượng( hết ngon, hết bổ) và độc hơn( do dùng nhiều hoá chất). Đất thoái hoá, môi trường ô nhiễm. Cây trồng chống chịu kém. Người nông dân bận bù đầu bù cổ và càng lệ thuộc vào các tập đoàn hoá chất và giống.

Nông nghiệp tự nhiên không cày xới đất, không dùng phân hoá học, không làm cỏ bằng việc cày xới hay thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc vào hoá chất. Cơ bản là “chẳng làm gì cả”, trừ vất vả một chút lúc thu hoạch. Nông nghiệp tự nhiên hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đến thiên nhiên. Và vì thế thực phẩm vừa ăn ngon, vừa là thuốc chữa bệnh. Môi trường được giữ nguyên vẹn. Người nông dân thảnh thơi và no đủ. Yếu điểm của nông nghiệp tự nhiên đó là cần thời gian dài để những kết quả trên thành hiện thực, khi ban đầu con người đã tác động đến thiên nhiên rồi

Cách mạng xanh nhận được ngân quỹ cuả Rockefeller Foundation, Ford Foundation...(theo wiki). Do đó công chúng được tuyên truyền về tính ưu việt của nó, còn các chính phủ có lẽ cũng đã nhận tiền để thực hiện chương trình này. Người ta rất ít, và hầu như không biết đến nông nghiệp tự nhiên.


Cọng rơm thức tỉnh cách sống của con người

Viết về nông nghiệp tự nhiên, ông Fukuoka hết sức nhẹ nhàng và khiêm nhường.Ông đơn giản kể lại câu chuyện cuộc đời mình; không bảo ban chỉ dạy. Những triết lí mà ông “thoáng thấy qua” có sức mạnnh như những cọng rơm được phủ lên khắp cánh đồng, để cho hạt giống cỏ dại chính là người đọc tự nảy nở và vươn lên. Chậm, chắc và lâu dài.
Có mấy điều ta hay lầm tưởng:
Con người là sinh vật cấp cao, ưu việt hơn các loài khác hay cũng chỉ là một mắc xích trong vạn vật
Các biện pháp canh tác hiện đại như nhà kính, tưới nước nhỏ giọt theo nhu cầu của cây, lai tạo và biến đổi gen, tạo nông sản trái mùa,... liệu luôn cho sản phẩm tốt nhất?
Làm nông là vất vả và bận rộn, hay là trở về và phụng sự thiên nhiên?
Sẽ có nhiều điều về cách sống, nhân sinh quan mà ta sẽ suy ngẫm lại khi đọc tác phẩm này. Mỗi người sẽ thu được quả ngọt khác nhau. Nhưng chắc chắn “cuộc cách mạng – một cọng rơm” không chỉ để đọc dăm ba lần, mà cần nghiền ngẫm lâu dài. Bởi dù là bản dịch từ tiếng anh, nhưng câu chữ vẫn rất ngắn gọn và cô đọng, và cần thời gian để hiểu sâu sắc tư tưởng của ông.

Cuốn sách vừa “nông” vừa “triết”, đọc sách thấy tâm thanh thản nhẹ nhàng như thiền. Vâỵ nên đây xứng đáng là cuốn được xếp vào sách gối đầu giường của riêng ta.

PS: link ảnh: "http://itsorganic.in/wp-content/uploads/2014/01/Masanobu-Fukuoka.jpg"
"http://xanhshop.com/wp-content/uploads/2015/01/Bia_CachMangRom_final_web1.jpg"
link tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_xanh

No comments:

Post a Comment