Vĩnh Long tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư

Thứ tư, 01/11/2017 15:30
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung khẳng định, tỉnh sẽ đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Ảnh minh họa. Nguồn: VTV.

Đồng thời, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, nhất là trong lĩnh vực thuế, đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai.... Tỉnh công khai, minh bạch hoá các quyết định về chính sách, trợ giúp thông tin đối với doanh nghiệp.

Tỉnh cũng công khai quy hoạch phát triển, xây dựng, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ các cơ quan tỉnh, hội nghề nghiệp... Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tỉnh tăng cường gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống một cửa liên thông hiện đại cấp huyện và cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh vận hành hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long ban hành cơ chế, tạo động lực để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp, đặc biệt đối với thủ tục đăng ký doanh nghiệp, lệ phí thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ thủ tục thuế, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.... Địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện năng lực chuyển lên doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo động lực khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp, nâng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Trương Đặng Vĩnh Phúc, tỉnh tiếp tục giữ vững và phấn đấu giảm thời gian hoàn thành các thủ tục khởi sự doanh nghiệp, kê khai, nộp thuế, bảo hiểm, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, thực hiện tốt giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển sản xuất.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Long đạt 62,76 điểm; tăng từ thứ 19 năm 2015 lên thứ 6 so với các tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 2 trong 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong nhóm “Rất tốt” của cả nước. Đây là kết quả sau những nỗ lực tích cực của tỉnh Vĩnh Long trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Trương Đặng Vĩnh Phúc, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quy định thí điểm chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh với các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các nhà đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ...

Bên cạnh đó, tỉnh duy trì thời gian xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới bình quân 1,51 ngày và xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thực hiện trong 1,29 ngày. Đến nay, 100% huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã triển khai vận hành chính thức hệ thống một hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 1.825 dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân giải quyết nhanh các thủ tục hành chính.

Trong công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức được 3 cuộc đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Tại các cuộc đối thoại, những ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã cơ bản được tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được các sở ngành chức năng giải quyết kịp thời. Trường hợp liên quan đến chính sách của Trung ương được tỉnh ghi nhận để kiến nghị đến các cấp cao hơn và có sự cam kết về thời hạn phản hồi với doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng, công khai các cơ chế, chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi... để khách hàng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong những năm qua. Trong đó, nổi bật là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Vĩnh Long đã xếp vào nhóm “Rất tốt” của cả nước. Thủ tục đăng ký kinh doanh, thời gian hoàn thành các thủ tục hồ sơ để bắt đầu khởi sự doanh nghiệp được rút ngắn. Việc tiếp cận thông tin về các chủ trương, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế địa phương được công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, tỉnh kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ giải quyết nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, dù đạt được những kết quả khả quan, song tình hình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được cải thiện nhiều. Việc khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp thực hiện còn chậm; nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp nhưng có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, công tác rà soát hệ thống các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang áp dụng trên địa bàn; nghiên cứu thực hiện dịch vụ đăng ký, tư vấn thành lập doanh nghiệp, chính sách khuyến khích chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp và một số thủ tục đầu tư kinh doanh khác thực hiện còn chậm.

Phạm Minh Tuấn/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực