Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

[ REVIEW SÁCH] CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM.



Đọc lướt qua vài dòng đầu, bạn có thể cảm thấy không hiểu nổi nhân vật này. Vì ông Masanobu Fukuoka ngạo nghễ phán xét các phát minh vĩ đại của loài người là phát minh sau khắc phục lỗi của phát minh trước đó, cứ thế con người mỗi ngày thông minh hơn nhưng vẫn không đủ sống như tổ tiên loài người trước đây.


Tôi là 1 trong số đó, tâm lí ban đầu khi đọc sách tôi còn lo sợ mình sẽ bị ảnh hưởng tư tưởng “tự nhiên” đến “không làm gì” trong nông nghiệp của ông mà “tự nhiên” và “không làm gì” trong cuộc sống của mình mất. Nhưng không, càng đọc tôi càng thấm thía cái qui luật đơn giản của cuộc sống.
Sách không đơn thuần là sách về nông nghiệp mà sách còn mang đến cho người đọc cảm được cách nhìn thế giới, cách hiểu thế giới, cách để có 1 cuộc sống đơn giản và hạnh phúc.


Ông nói rằng, tự nhiên là điều vô hạn, con người là hữu hạn, vì vậy mà con người sẽ không hiểu hết được tự nhiên. Nếu như những thập kỉ qua con người tìm hiểu tự nhiên để chế ngự tự nhiên thì lý thuyết đó của ông để nhắn nhủ mọi người rằng, con người hãy hiểu tự nhiên để sống hòa hợp với tự nhiên, sự hòa hợp giúp 2 đối tượng hiểu nhau mỗi lúc 1 cặn kẽ hơn và mọi tính năng tốt cũng sẽ được phát huy hết công lực.

Tôi nhớ đoạn ông nói về cách dùng rơm cho ruộng, người nông dân Nhật, khi rải rơm sẽ rải theo đường, ngăn nắp trật tự, họ tin rằng làm như vậy là 1 cách rất khoa học giúp cho nông nghiệp phát triển tốt tươi. Ông Fukuoka cũng rải rơm nhưng ông rải tứ tung khắp nơi, không cần xếp gọn gàng, mùa vụ lại lên cao và sản lượng tốt hơn nhiều. Ông viết “ để làm phân bằng phương pháp thông thường, người dân phải làm việc quần quật dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, băm nhỏ rơm, chế thêm nước và vôi, đảo đống và đổ ra ruộng. Anh ta tự hành hạ mình vì nghĩ rằng đó là “cách tốt nhất”. Tôi muốn thấy người ta chỉ việc rải rơm, trấu hoặc mùn cưu trên khắp ruộng của họ hơn”.

Thế nào nhỉ! Việc hiểu tự nhiên để hòa hợp với nó có lẽ là cả 1 quá trình và nó dành cho những người tâm huyết, có kiến thức như ông. Người nông dân họ tin vào cái gọi là thói quen, tục lệ và khoa học chứng minh mà không biết nguyên nhân vì sao phải làm như vậy!

Cuộc sống có lẽ sẽ đơn giản và hạnh phúc hơn nếu như bạn không hành động vì 1 trào lưu hay những thông số thống kê của 1 ngành khoa học nào, mà chỉ đơn giản là hiểu bạn cần gì, muốn gì từ đó tìm cách làm như thế nào! Nói đơn giản hơn là “ làm việc mình thích, thích việc mình làm”.

Ông Fukuoka viết sách “ cuộc cách mạng 1 cọng rơm” không phải để chỉ cho mọi người cách làm nông nghiệp đúng, ông chỉ đơn thuần viết về 1 cái gì đó tâm đắc của cuộc đời.

“ Không! Bản thân tôi thì không có gì đặc biệt cả nhưng điều tôi thoáng thấy đó thì đặc biệt vô cùng”

Rich Ngân
11/4/2015



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét