Phú Thọ cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực phát triển doanh nghiệp

Thứ sáu, 17/11/2017 15:50
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng năng lực cạnh tranh quốc gia và thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội là mục tiêu quan trọng của tỉnh Phú Thọ đề ra từ nay đến năm 2020.
 Ảnh: Báo Phú Thọ.

*Nhanh chóng tăng hạng

Ngay sau khi Nghị quyết số 19 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia ban hành, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị nâng cao vai trò, trách nhiệm, hành động thiết thực, hỗ trợ, động viên cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai, quán triệt nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành, đơn vị phụ trách để tổ chức thực hiện. Trong đó chú trọng thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện và chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp...

Đồng thời tỉnh cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. UBND tỉnh đã cụ thể hóa việc hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn như chính sách về đất đai, hạ tầng và chi phí san lấp mặt bằng; cung cấp các dịch vụ liên quan đến điện nước tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, đường giao thông đến ngoài hàng rào các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại…

Các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương đã có những hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tín dụng… cũng như lắng nghe, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã có những chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ưu tiên các dự án nằm trong danh mục các lĩnh vực sản xuất sản phẩm đặc thù như hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi; giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trồng cây dược liệu, rau, củ, quả; nuôi trồng thủy sản; chế biến gỗ rừng trồng, nông sản, thực phẩm…

Ông Hồ Đại Dũng, Giám đốc Sở Kế hoach và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đang phối hợp với một số đơn vị liên quan kết nối thủ tục nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hiện thời gian thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ 1 - 2 ngày, giảm 45 - 60% thời gian so với quy định. Thời gian giải thể doanh nghiệp tối đa là 3 ngày, giảm 57,1%. Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tối đa 3 ngày, giảm 40%. Việc chấp thuận dự án đầu tư đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh cũng được rút ngắn, thời gian trung bình các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 18 ngày, so với quy định trước đây là 35 ngày”.

Còn đối với một số sở, ngành liên quan như tài nguyên và môi trường, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng cũng đã cắt giảm thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định; tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế; giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm triển khai với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến các địa phương. Lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương tham gia đối thoại doanh nghiệp; qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn và xử lý thỏa đáng nhiều ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện “đường dây nóng” tại tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp về tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, viên chức Nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Công bố công khai bộ thủ tục hành chính của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp biết, phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Với những giải pháp quyết liệt, cùng việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu giúp tỉnh Phú Thọ có được sự hài lòng của các doanh nghiệp nhà đầu tư. Nếu như năm 2013, tỉnh Phú Thọ đứng thứ 54 trong số 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đến năm 2016 nhanh chóng tăng lên đứng thứ 29, xếp thứ 3 trong các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và tăng 6 bậc so với năm 2015. Tỷ lệ hài lòng của các tổ chức, cá nhân về giải quyết thủ tục hành chính trên 68%.

*Thu hút nhiều nhà đầu tư

Những năm gần đây, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng, giúp giải quyết việc làm, đóng góp nguồn vốn và thu ngân sách lớn cho xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một tín hiệu tốt từ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh ở Phú Thọ.

Từ vài trăm doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh những năm 2000, đến nay toàn tỉnh có 6.360 doanh nghiệp, với vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng; trong đó, trên 4.130 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 65,2%. Riêng 10 tháng năm 2017, toàn tỉnh có 490 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12%, với số vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. 90 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã sản xuất kinh doanh trở lại, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 70% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động.

Có được kết trên, tỉnh vận dụng huy động nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bên trong các khu, cụm công nghiệp, kết nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu công nghiệp nhằm chia sẻ, đồng hành với nhà đầu tư; tạo sự hỗ trợ tích cực, tác động giữa phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật của các địa phương.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp Phú Thọ cho biết, đến nay tỉnh Phú Thọ đã có 7 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch 2.160ha. Hầu hết các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực điện tử, cơ khí, dệt, may, bao bì, thực phẩm, chế biến nông, lâm sản thực phẩm, bia rượu, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi... và cũng đã xuất hiện những ngành công nghiệp mới, ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới.

Một số dự án sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn điển hình như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty trách nhiệm hữu hạn Namuga Phú Thọ, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty trách nhiệm hữu hạn JNTC Vina, Nhà máy cơ khí chính xác của Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ Cosmos I và Nhà máy gạch ốp lát của Công ty cổ phần gạch men Tasa... Kết quả trên đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu định hướng phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đúng Nghị quyết đại hội Đảng các nhiệm kỳ của tỉnh đã đề ra.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khá ổn định, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2017, ước tính tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 19.000 tỷ đồng; doanh thu bán hàng ước 21.000 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 750 triệu USD; tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 900 tỷ đồng; thu hút và tạo việc làm cho 29.000 lao động; thu nhập bình quân người lao động gần 6.000.000 đồng/người/tháng.

Ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đang yêu cầu các ngành rà soát kịp thời văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội để sửa đổi, bổ sung, thay thế. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thực hiện đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhất là ở những khâu, công đoạn còn rườm rà, phức tạp làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Tỉnh cũng từng bước hệ thống hóa thể chế, cơ chế chính sách quản lý; triển khai quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư. Ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện cải cách hành chính được tăng cường nhằm tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, minh bạch; áp dụng các hình thức kiểm tra, xử lý minh bạch, từ đó khắc phục kịp thời tồn tại, hạn chế nhằm hướng tới nền hành chính trong sạch, vững mạnh. Các cơ quan nâng cao trách nhiệm, tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác “một cửa”; rà soát những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế./.

Lâm Đào An/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực