Hiển thị các bài đăng có nhãn Từ điển các khoa học kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Từ điển các khoa học kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng

1.12.23

Đọc lại Adam Smith ngày nay: “bàn tay vô hình”, lời tụng ca chủ nghĩa tự do?

ĐỌC LẠI ADAM SMITH NGÀY NAY: “BÀN TAY VÔ HÌNH”, LỜI TỤNG CA CHỦ NGHĨA TỰ DO?

Adam Smith công bố năm 1776 cuốn “Của cải các dân tộc” và được đánh giá là tác phẩm nền tảng của kinh tế học. Shutterstock

André Lapidus

Giáo sư danh dự Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne

Đây phải là một trong những đoạn nổi tiếng nhất trong tác phẩm Của cải các dân tộc của Adam Smith, nhân vật lỗi lạc của phong trào Ánh sáng Ireland, được xuất bản vào năm 1778. Một đoạn được nhiều thế hệ học sinh và sinh viên đọc và bình luận và nói chung đồng thuận rằng nó tổng hợp, thông qua ẩn dụ “bàn tay vô hình”, chủ nghĩa tự do của Smith trong lĩnh vực kinh tế. Hình dung cách một cá nhân sử dụng tư bản của mình, Smith quan sát trong chương 2 của quyển 4:

Khi hướng ngành sản xuất của anh ta vào việc làm ra những sản phẩm có giá trị cao nhất, anh ta chỉ có ý định là thu được nhiều lợi nhuận cho chính mình. Trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác, anh ta được dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình để thực hiện một mục đích mà anh ta không hề nghĩ đến [...] Khi theo đuổi lợi ích riêng, anh ta thực ra đã thúc đẩy lợi ích chung của toàn xã hội nhiều hơn là khi thực sự có ý định là như vậy.”[1]

Không phải là không cần đến luận chứng khi kiến giải đôi câu trên như là sự biểu biện của một quan điểm tự do. Và học sinh và sinh viên nào cả gan nghi ngờ quan điểm này không phải lúc nào cũng thuyết phục được những người chấm bài họ. Tuy nhiên bàn luận tính xác đáng của nghi vấn này là lan truyền cuộc tranh luận công khai chưa bao giờ chấm dứt kể từ thời Smith qua đó ý tưởng cho rằng một thị trường được giải phóng khỏi những ràng buộc có thể hoàn thành những mục đích tốt nhất cho mọi người vấp phải tính hiển nhiên của những sai sót trong quan điểm này, vốn đòi hỏi những biện pháp hành động khác.

Print Friendly and PDF

10.11.23

SMITH Adam, 1723-1790

SMITH Adam, 1723-1790

Adam Smith sinh năm 1723 tại Kirkcaldy (Scotland). Sau khi được đào tạo vững chắc tại đại học Glasgow, nơi ông theo học F. Hutcheson, rồi tại đại học Oxford, năm 1751 ông được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Glasgow. Tại đây ông giảng dạy triết học đạo đức, và như vậy tiếp nối F. Hutcheson. Ngày nay ta biết nội dung giảng dạy của ông nhờ hai phiên bản những ghi chép về những bài giảng của ông, được biết dưới tựa Lectures on Jurisprudence. Cùng với nguời bạn David Hume, Smith tham gia vào hoạt động tri thức đặc biệt nổi bật, một hoạt động đặc trưng của Scotland vào thời buổi ánh sáng.

Năm 1759, ông công bố Lí thuyết những tình cảm đạo đức (dưới đây viết tắt là TCĐĐ) và được tái bản năm lần trong lúc ông còn sống. Năm 1764, Smith bỏ ghế giáo sư để làm gia sư cho công tước trẻ Buccleuch cùng ông chu du lục địa châu Âu, chủ yếu là ở Pháp, nơi ông gặp Voltaire, dAlembert, dHolbach, Helvétius và nhất là QuesnayTurgot. Trở về Anh năm 1767, Smith bắt đầu viết Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của của cải các dân tộc (dưới đây viết tắt CCDT). Việc hoàn thành tác phẩm dường như là phức tạp và bị trễ do có tính đến cuộc cách mạng Mĩ cho đến 1776. Được bổ nhiệm làm quan chức thuế quan, cho đến lúc chết vào năm 1790, ông tập trung vào việc tái bản hai tác phẩm chính của mình.

Print Friendly and PDF

22.5.23

Người ăn không

NGƯỜI ĂN KHÔNG

Free rider

è Giải Nobel: BUCHANAN, 1986 VICKREY, 1996

Người ăn không (người đi tàu không có vé) thường được mô tả một cách quá đáng như một kẻ hưởng lợi nhờ gian lận do thu được một lợi thế ròng từ một tình thế mà không phải gánh chịu cái giá phải trả, thật ra là người thụ hưởng việc tiêu dùng một sản phẩm tập thể do nhiều người khác trả và không thể cấm cản người này tiêu dùng sản phẩm này song không vì thế mà có quyền đòi hỏi người này phải chi trả cho sản phẩm này. Ví dụ đó là trường hợp của người di chuyển không có vé xe trên những phương tiện công cộng mà không làm hại cho những khách khác vì còn chỗ trống và do Nhà nước có thể cho quyền sử dụng những chỗ này vào cuối ngày. Đó cũng là trường hợp của người thất nghiệp được hưởng miễn phí nhiều dịch vụ công, của người tuy trốn thuế nhưng được hưởng những lợi thế của những dịch vụ công cho dù người này không đều đặn trả thuế cá nhân, của đứa trẻ được ăn căng-tin miễn phí do thu nhập của bố mẹ bé quá thấp, của người làm công ăn lương không đình công nhưng lại hưởng lợi từ những tác động của cuộc đình công và minh hoạ cho nghịch lí của hành động tập thể bị Mancur Olson tố cáo.

Trong thực tế ta gặp những tình thế người ăn không trong những qui tắc tài trợ các sản phẩm tập thể thuần tuý, do đó không chia nhỏ được dưới tác động của tính không loại trừ khỏi việc sử dụng, và có tiêu dùng tự động. Trong tất cả những trường hợp vừa nêu, người ăn không là thực tình. Ngược lại người ăn không thao túng những người quanh mình nếu có những hành vi chiến lược khiến người này bộc lộ một mức sẵn sàng chi trả cận biên thấp hơn mức mà người này thật sự cảm nhận. Bằng cách không bộc lộ sở thích thật của mình nhằm tối thiểu hoá đóng góp cận biên của mình, người ăn không để cho những người khác phải gánh chịu về mặt thuế việc tài trợ sản phẩm tập thể; trong nghĩa này người ăn không ứng xử như một kẻ gian lận. Trong trường hợp này, những khái niệm người ăn không và bộc lộ sở thích gắn chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên việc đồng hoá người ăn không với người gian lận là tế nhị và không đúng một khi ta áp dụng vào trường hợp tiêu dùng tập thể bắt buộc cho phép đấu thủ (theo nghĩa của lí thuyết trò chơi – ND) lợi dụng một cách thụ động một tình thế tập thể mà người này không yêu cầu, ví dụ một cuộc đình công.

Print Friendly and PDF

20.8.22

Lịch sử kinh tế

 

LỊCH SỬ KINH TẾ

Economic History

è Giải Nobel: FOGEL, 1993 NORTH, 1993

Lịch sử kinh tế, trong thế kỉ XX, đã chấp nhận một cách tiếp cận ngày càng có tính định lượng. Và ở cương vị này, bộ môn đã giữ một vai trò độc đáo, trong nội bộ những khoa học nhân văn, vì đã dần dần triển khai những phương pháp thống kê tinh vi hơn, xây dựng một tập nhất quán những chuỗi thời gian, cũng như vì những kiến giải do bộ môn đề nghị để hiểu tốt hơn những hướng tiến hoá của thế giới đương đại, dựa trên những khái niệm và công cụ phân tích mượn của khoa học kinh tế khi không tự mình tạo nên những khái niệm và công cụ phân tích đặc thù. Những ràng buộc này đã biến bộ môn này thành một khoa học có vẻ là mới, nhất là khi so sánh với ba cách tiếp cận của lịch sử kinh tế như từng được vận dụng trong thế kỉ XIX cách tiếp cận của các nhà kinh tế, có tính đặt vấn đề và tính tổng thể theo cách của trường phái thể chế Đức, cách tiếp cận của các nhà thống kê, tập hợp những dãy dữ liệu lương và giá cả và cách tiếp cận của các nhà sử học, có tính mô tả nhiều hơn. Nhưng mối quan tâm lượng hoá đã có mặt trong những nghiên cứu được công bố trước đây với mục đích trình bày những biến giải thích những chu kì của thế kỉ XVIII và XIX: hoặc là việc phân chia lợi nhuận-lương theo cách nhìn của C. E. Labrousse (1933-1944) trong những phân tích của ông về các cuộc khủng hoảng Pháp, hoặc là xuất khẩu và đầu tư trong khuôn khổ của những công trình của A. D. Gaver (1953), R. C. O. Matthews (1954) và của D. C. North (1961) về những biến động kinh tế Anh-Mĩ. Khác biệt chủ yếu giữa những công trình này với những công trình được dùng làm cơ sở cho những trường phái gần đây hơn là ở việc mở rộng trường nghiên cứu tới chân trời rất dài hạn và ở việc vận dụng một cách tiếp cận kinh tế vĩ mô nhằm đo đạc, rồi giải thích, không phải là những tai nạn ở từng thời điểm của tình thế kinh tế mà là những quá trình công nghiệp hoá, và một cách tổng quát hơn, sự tăng trưởng của những nước Tây phương và của thế giới thứ ba

Print Friendly and PDF

29.7.22

Sử trắc học

SỬ TRẮC HỌC

Cliometry

è Giải Nobel: FOGEL, 1993 NORTH, 1993

Robert W. Fogel (1926-2013)
Douglass North (1920-2015)

Sử trắc học, thước đo của Clio, nữ thần của Lịch sử, đã trở thành, trong những năm 1960, một trong những cách nắm bắt và nghiên cứu quá khứ. Như thế sử trắc học, được xem như lịch sử kinh tế mới (new economic history) hay như lịch sử kinh trắc hoá (McCloskey, 1987) nhằm phân tích những biến cố và cấu hình lịch sử bằng những phương pháp tiên tiến của thống kê học và những khái niệm rút ra từ lí thuyết kinh tế. Claudia Goldin đã tóm tắt đúng phương pháp này: Sử trắc học đơn giản là việc áp dụng lí thuyết kinh tế và những phương pháp định lượng vào việc nghiên cứu lịch sử (Goldin, 1995). Những chủ đề tạo lập của cách tiếp cận mới này (mà W. R. Fogel, được nhận giải Nobel kinh tế 1993 cùng với D. C. North, là một trong những người đi đầu) chủ yếu được áp dụng vào lịch sử kinh tế Mĩ thế kỉ XVIII và XIX: biện minh kinh tế của cuộc chiến giành độc lập, đánh giá lại vai trò của đường sắt trong sự tăng trưởng của nước Mĩ, phân tích tính hiệu quả của hệ thống đồn điền sử dụng nô lệ, nguyên nhân và chi phí của cuộc chiến Nam-Bắc phân tranh, quá trình xây dựng lại miền Nam Hoa Kì. Phân tích chi phí-lợi thế, việc sử dụng những tương quan nhưng nhất là phương pháp phản sự kiện (mô phỏng những tình thế lịch sử ảo để so sánh chúng, về mặt hiệu quả, với những tình thế đã xảy ra trong lịch sử) sẽ là những công cụ được sử dụng nhiều nhất. Những phương pháp này sẽ là đối tượng của một cuộc tranh luận quyết liệt về mặt phương pháp luận được các nhà sử học truyền thống xem, một cách đúng đắn, là không có khả năng tính đến sự phong phú và tính phức tạp của quá khứ.

Print Friendly and PDF

9.5.22

KOOPMANS Tjalling Charles

KOOPMANS Tjalling Charles, 1910-1985

Tác giả: Damien Gaumont

Tjalling Koopmans (1910-1985)

Tjalling Charles Koopmans sinh tại Graveland, Hà Lan, năm 1910. Sau khi học vật lí và toán tại đại học Utrecht, năm 1936 ông tốt nghiệp tiến sĩ thống kê toán của đại học Leyde. Ông làm việc tại trường kinh tế Rotterdam, Hội quốc liên ở Genève và cuối cùng di cư sang Mĩ để làm việc tại đại học Princeton, rồi đại học New York. Song song đó ông làm việc cho Penn Mutual Life Company và cho Combined Shipping Board ở Washington trên những dữ liệu thống kê. Từ 1944 đến 1967, ông nghiên cứu và là thành viên của Ủy ban Cowles, trước hết ở đại học Chicago nơi ông là giáo sư từ 1948 đến 1955, rồi tại đại học Yale từ năm 1955 đến năm 1981, năm ông về hưu. Chủ tịch Hội kinh trắc học năm 1950 và của American Economic Association năm 1978, Ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1975.

Những công trình của Koopmans bắt đầu bằng hai bài viết về vật lí năm 1933 và 1934. Năm 1936, ông hoàn thành luận văn tiến sĩ về phương pháp luận kinh trắc học. Dưới sự thúc đẩy của ông, kinh trắc học có những bước tiến lớn vì ông xử lí trường hợp của những hồi qui tuyến tính khi các biến có những sai số đo đạc (1937), và điều này dẫn ông đến việc chọn một phương pháp xác suất. Ông nghiên cứu việc giải những hệ thống phương trình đồng thời, việc đồng nhất hoá các hệ thống và ước lượng các tham số (1945 và 1950).

Print Friendly and PDF

KANTOROVICH Leonid Vitalievitch

KANTOROVICH Leonid Vitalievitch, 1912-1986

Tác giả: Damien Gaumont

Leonid Kantorovich (1912-1986)

Leonid Vitalievitch Kantorovich sinh tại Saint-Pétersbourg, Nga, năm 1912. Có tài năng phát triển sớm, ông được nhận vào đại học Leningrad năm 14 tuổi để học toán. Ông đỗ văn bằng đầu năm 1930 và được bổ nhiệm giảng dạy trong một viện đào tạo kĩ sư. Một năm trước khi hoàn thành luận án tiến sĩ ông trở thành giáo sư đại học Leningrad. Tiến sĩ vật lí lẫn tiến sĩ toán lúc 23 tuổi vào năm 1935, ông phụ trách khoa toán của Viện hàn lâm khoa học Leningrad từ 1948 đến 1960. Tuy chưa bao giờ là giám đốc vì không phải là đảng viên Đảng cộng sản, ông đứng đầu khoa (mà ông được giao trách nhiệm thành lập) những phương pháp toán học của phân ban Sibérie của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô từ năm 1960 đến năm 1971 tại Novosibirsk. Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1964, ông lãnh đạo Viện quản lí kinh tế quốc gia của Gosplan (Ủy ban kế hoạch Nhà nước) tại Mockva kể từ năm 1971, rồi Viện nghiên cứu hệ thống của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô. Giải Staline về toán năm 1949, Giải Lenine năm 1975, cùng năm này ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương.

Có thể xem Kantorovich là một trong những nhà sáng lập chính của trường phái kinh tế toán. Luận án của ông là về giải tích hàm những không gian được sắp bộ phận; những không gian được gọi là K-không gian để tôn vinh tên ông. Ông là một trong những người đầu tiên với von Neumann (cho nguyên lí đối ngẫu) và Dantzig (với thuật toán đơn hình) nghiên cứu những vấn đề qui hoạch tuyến tính (1972). Những nghiên cứu của ông có những ứng dụng tức thì, vào năm 1937 ông được yêu cầu tìm một giải pháp để giới hạn những rẻo cắt cho một nhà máy ván ép, kết quả của công trình này là một báo cáo được giữ bí mật trong một thời gian dài (1939).

Print Friendly and PDF

4.4.22

KLEIN Lawrence Robert (1920-2013)

KLEIN Lawrence Robert (1920-2013)

Damien Gaumont

Lawrence Klein (1920-2013)
Paul Samuelson (1915-2009)

Lawrence Robert Klein sinh tại Omaha, bang Nebraska, Hoa Kì năm 1920. Sau khi học tại đại học Berkeley ở California, ông tốt nghiệp tiến sĩ của Massachussetts Institute of Technology (MIT) năm 1944. Trợ giảng cho Paul Samuelson tại MIT, ông cũng nghiên cứu ở Uỷ ban Cowles tại Chicago từ 1944 đến 1947, rồi tại National Bureau of Economic Research ở New York từ 1948 đến 1951 cũng như tại Survey Research Center của đại học Michigan từ 1949 đến 1954 (nơi ông giảng dạy từ 1950). Sau đấy ông sang Anh nghiên cứu và giảng dạy tại Viện thống kê của đại học Oxford từ 1954 đến 1958. Giáo sư đại học Pennsylvania kể từ 1958, năm 1959 ông được huy chương John Bates Clark của American Economic Association, và là chủ tịch hội này năm 1977. Trước đó ông là chủ tịch Hội kinh trắc học năm 1960, ông cũng giữ nhiều trách nhiệm khác về mặt nghiên cứu và đặc biệt kể từ 1989 là giám đốc của National Bureau of Economic Research ở New York. Năm 1980 ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương.

Bên cạnh Paul Samuelson tại MIT, ông tiến hành những công trình hình thức hoá toán học lí thuyết kinh tế. Ông tìm được tại Ủy ban Cowles một không khí tri thức đầy kích thích để đào sâu nghiên cứu của ông trong chiều hướng này. Sau khi tu chỉnh, năm 1947 ông xuất bản luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1944. Nghiên cứu việc công thức hoá Lí thuyết tổng quát của Keynes bằng những phương trình, ông là người đầu tiên đề xuất thuật ngữ cách mạng keynesian. Mối quan tâm không ngừng của ông là kéo lại gần nhau kinh tế vi môkinh tế vĩ mô, đào sâu phân tích đầu tư và tiết kiệm, đưa thị trường tiền tệ và lãi suất một cách tốt hơn vào trong mô hình hoá kinh tế vĩ mô. Với thời gian, ông chuyển hướng từ cầu thực tế để tập trung vào cung, và như thế tạo cơ sở cho kinh tế vĩ mô hiện đại.

Print Friendly and PDF

26.3.22

Trygve Haavelmo (1911-1999)

HAAVELMO Trygve (1911-1999)

Trygve Haavelmo (1911-1999)
Ragnar Frisch (1895-1973)

Tryggve Haavelmo sinh tại Skedsmo, Na Uy, năm 1911. Sau khi tốt nghiệp đại học Oslo năm 1933, ông trở thành người phụ tá của Ragnar Frisch (Nobel 1969) tại Viện kinh tế. Trong thời gian chiến tranh ông ở Hoa Kì, tốt nghiệp tiến sĩ đại học Harvard năm 1941 và cùng năm đó cùng với Marschak lập một xêmina kinh trắc học ở New York. Ông quan hệ chặt với ủy ban Cowles kể từ 1943 khi Marschak lãnh đạo ủy ban này và trở thành thành viên của ủy ban kể từ năm 1946. Trở về Na Uy năm 1947, ông là giáo sư đại học Oslo năm 1948. Chủ tịch Hội kinh trắc năm 1957, ông về hưu năm 1979 trước khi được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1989.

Print Friendly and PDF

15.2.22

Jan Tinbergen, 1903-1994

TINBERGEN Jan, 1903-1994

Damien Gaumont

Jan Tinbergen sinh tại La Haye, Hà Lan, năm 1903 và qua đời tại đây năm 1994. Ông bắt đầu học vật lí toán học tại đại học Leyde. Cách đào tạo chặt chẽ này đã cho ông sở thích hình thức hoá những hiện tượng quan trắc được. Là một người tự học, bao giờ ông cũng giữ một khoảng cách nhất định với những nhà kinh tế đương thời. Ông trở thành tiến sĩ khoa học kinh tế năm 1929. Bốn năm sau ông được phong làm giáo sư đại học Rotterdam. Ông nổi lên như một lí thuyết gia và một nhà thực nghiệm cụ thể. Luôn từ chối mọi nhãn hiệu, ông để lại dấu ấn trên trường phái kinh tế Hà Lan. Từ 1936 đến 1938, ông là chuyên gia của Hội quốc liên ở Genève. Sau thế chiến thứ hai, ông lãnh đạo Văn phòng kế hoạch trung ương của Hà Lan cho đến năm 1956. Sau khi làm kế hoạch, ông từ bỏ chức vụ này để trở lại làm giáo sư đại học Rotterdam. Chức giáo sư này được trao cho ông để nghiên cứu sự phát triển kinh tế của những nước tiên tiến nhất cũng như của những nước nghèo nhất. Cùng năm đó ông được bổ nhiệm vào Hội đồng kinh tế và xã hội của Hà Lan. Cho đến năm 1973 ông tập trung vào công việc giáo sư, chuyên gia về kế hoạch hoá và chính sách kinh tế tìm kiếm sự phát triển tối ưu. Sau nhiều chuyến công tác cho Liên hợp quốc bên cạnh các chính phủ của một số nước đang phát triển, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban kế hoạch hoá sự phát triển của Liên hợp quốc. Năm 1969, cùng với Ragnar Frisch, ông được trao giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel.

Nghiên cứu của ông chủ yếu xoay quanh ba hướng nghiên cứu lớn.

Print Friendly and PDF

25.1.22

FRISCH Ragnar, 1895-1973

FRISCH Ragnar, 1895-1973

Damien Gaumont

Ragnar Frisch (1895-1973)

Ragnar Anton Kittil Frisch sinh tại Oslo, Na Uy, năm 1895 (và mất tại đây năm 1973) trong một gia đình mà tổ tiên là những nhà kim hoàn nổi tiếng từ năm 1630. Để khỏi vi phạm truyền thống gia đình, Ragnar thực tập trong xưởng của David Andersen ở Oslo. Tuy nhiên chính chịu ảnh hưởng của bà mẹ (Kitteln Frisch) mà, song song với nghề kim hoàn của bố, ông tiến hành học kinh tế tại đại học Oslo. Ông tốt nghiệp cử nhân đại học này năm 1919. Lo tiếp tục bồi dưỡng về kinh tế và đào sâu hiểu biết về toán học, năm 1920 ông chọn đến Pháp để học trong vòng ba năm hai môn này. Mặc dù xem nước Pháp là quê hương văn hoá thứ hai song Ragnar quyết định theo một cách tiếp cận toàn cầu và năm 1923 đi nghiên cứu tại Anh. Từ 1927 đến 1928, ông liên tiếp đi đào tạo tại Mĩ, Đức và Italia. Giảng viên phụ đạo năm 1925, năm 1926 ông bảo vệ một luận án về vai trò của toán học và thống kê trong kinh tế học tại đại học Oslo. Được trang bị vững vàng nhờ những công trình nghiên cứu và nhờ những chuyến đi phong phú, ông quay về giảng dạy tại Oslo năm 1928 với cương vị phó giáo sư. Ông được phong giáo sư năm 1931 và trở thành giám đốc Viện kinh tế vừa mới được thành lập trong đại học này và giữ chức vụ này cho đến khi về hưu năm 1965. Sự thừa nhận cuối cùng cuộc đời nghiên cứu của ông sẽ là giải kinh tế học đầu tiên của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 1969.

Frisch có được tầm vóc thế giới của một nhà kinh tế là do nhiều nguyên nhân.

Print Friendly and PDF

4.9.21

Kinh trắc học

KINH TRẮC HỌC

Econometrics

Giải Nobel: BECKER, 1983 – COASE, 1991 – DEBREU, 1983 – FRISCH, 1969 – HAAVELMO, 1989 – HECKMAN, 2000 – HICKS, 1972 – KLEIN, 1980 – KOOPMANS, 1975 – LUCAS, 1995 – MCFADDEN, 2000

Kinh trắc học là sự kết hợp của hai cách tiếp cận khoa học: phân tích thống kê các dữ liệu và lí thuyết kinh tế. Lí thuyết kinh tế cung cấp một khuôn khổ qui chiếu có thể gọi là một mô hình kinh tế. Mô hình này dựa trên những giả thiết, những giả thiết có thể được kiểm chứng hay không trong thực tế, và tuỳ thuộc vào một số tham số mà những trị số là những ẩn số. Phân tích thống kê sử dụng một tập những dữ liệu kinh tế để ước lượng tất cả hay một số tham số của mô hình, và để kiểm định xem là những hệ quả của mô hình có tương hợp hay không với các dữ liệu này. (Những tham số mà ta tìm cách ước lượng được gọi là những tham số quan tâm. Những tham số khác, có mặt trong mô hình nhưng không được nhà kinh trắc quan tâm đến, được gọi là những tham số nhiễu. Việc phân biệt hai loại tham số này xuất phát từ những mục tiêu kinh tế do nhà kinh trắc xác định trong nghiên cứu của mình).

Print Friendly and PDF

17.7.21

NORTH Douglass C. (1920-2015)

NORTH Douglass C. (1920-2015)

Douglass North (1920-2015)

Douglass C. North sinh tại Cambridge (bang Massachussets), Hoa Kì, năm 1920. Sau khi tốt nghiệp cao học về quản lí kinh doanh năm 1942, ông đỗ tiến sĩ của đại học Berkeley, California năm 1952. Giảng viên phụ đạo từ 1951 đến 1956, rồi phó giáo sư từ 1956 đến 1960 ông trở thành giáo sư đại học Washington ở Seatltle từ 1960 đến 1983. Kể từ 1983, ông là giáo sư đại học Washington ở Saint-Louis, nơi ông lãnh đạo Trung tâm kinh tế chính trị học. Đồng giám đốc tạp chí Journal of Economic History từ 1960 đến 1966, chủ tịch American Historic Association, ông được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1993.

Douglass North là một trong những kiến trúc sư chính của lịch sử kinh tế mới. Ông phê phán lịch sử truyền thống là chỉ giới hạn trong việc mô tả các thể chế và các hoạt động kinh tế. Theo ông, phương pháp này không giải thích được bản chất và nhịp độ của tiến hoá kinh tế trong dài hạn. Trong một quyển sách đầu tiên xuất bản năm 1961, ông xét lại luận điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế của Hoa Kì chủ yếu được khởi động sau và nhân cuộc nội chiến. Trái lại ông cho rằng chính cuộc nội chiến đã làm gián đoạn một quá trình đã diễn ra từ trước đó và quá trình này cơ bản gắn với tiến hoá của nền kinh tế thị trường và với những chuyển động của giá các sản phẩm và các nhân tố sản xuất.

Print Friendly and PDF

13.6.21

Lí thuyết ra quyết định

LÍ THUYẾT RA QUYẾT ĐỊNH

Decision theory

🠊 Giải Nobel: ALLAIS, 1988 ARROW, 1972 MCFADDEN, 2000 NASH, 1994 SAMUELSON, 1970 SELTEN, 1994 SIMON, 1978 VICKREY, 1996

R. Duncan Luce (1925-2012)

Howard Raiffa (1924-2016)

Thuật ngữ lí thuyết ra quyết định được Luce và Raiffa sử dụng lần đầu tiên trong tác phẩm Games and Decision (1957) của họ. Lí thuyết ra quyết định là một tập những mô hình kinh tế có mục đích công thức hoá hành vi lựa chọn của một tác nhân kinh tế giữa nhiều hành động có thể trong một bối cảnh không chắc chắn. Lí thuyết này kéo theo khái niệm quan hệ sở thích về những hành động, định đề về tính duy lí nhất quán, một dạng của tính duy lí thực chất đối lập với tính duy lí thủ tục (Simon, 1986) và việc tìm kiếm thường xuyên sự phù hợp với thực tế. Trong hầu hết những thiết kế của lí thuyết này, lí thuyết liên quan đến một tác nhân kinh tế cá thể, nhưng có một số mô hình nhằm vào những quyết định của nhóm (Raiffa, 1968; Marschack & Radner, 1972; Munier & Shakun, 1988). Mặt khác, người ta có thói quen phân biệt những lí thuyết chuẩn tắc tương ứng với một hiểu biết tư biện độc lập với những ứng dụng, những lí thuyết chỉ dẫn và những lí thuyết mô tả. Tuy nhiên nếu khía cạnh chỉ dẫn của lí thuyết ra quyết định ít gây nhầm lẫn, trong nghĩa là khía cạnh này tương ứng với những mô hình có tính hoạt động hỗ trợ việc ra quyết định cho phép thông báo và giải quyết những vấn đề lựa chọn trong thực tiễn thì các khía cạnh chuẩn tắc và mô tả là đan lồng nhau. Đó là vì lí thuyết ra quyết định, như mọi lí thuyết kinh tế hiện đại, có thể được cải tiến không ngừng (Moessinger, 1996) và tiến triển bằng việc lần lượt thiết kế những hệ thống tiên đề được những thử nghiệm thường nghiệm gợi ý và kiểm định. Như Luce và Raiffa nhấn mạnh, lí thuyết lợi ích kì vọng là hòn đá tảng của lí thuyết ra quyết định…

Print Friendly and PDF

29.5.21

Vòng đời sản phẩm

VÒNG ĐỜI SẢN PHẨM

Product life cycle

Khái niệm vòng đời của một sản phẩm được sử dụng một cách thông thường trong phân tích công ti, và đặc biệt là kể từ việc công bố một bài viết của Vernon (1966) trên tạp chí Quarterly Journal of Economics. Thật vậy, một sản phẩm bán chạy được là do quyết tâm của một tổ chức. Do đó phải có một khởi đầu cho sự thương mại hoá này, coi như sự ra đời trên thị trường. Thường người ta xem là nếu một sản phẩm thoả mãn được một người tiêu dùng thì sẽ có thể thoả mãn những người tiêu dùng khác, và điều này đưa đến một số sản phẩm được doanh nghiệp bán ra. Tuy nhiên việc nhân bội người tiêu dùng không phải là không có giới hạn và thường đến một thời điểm thống kê số hàng bán đạt đến đỉnh và ở thế ổn định. Như thế, nếu không có gì thay đổi trong cung thì một sụt giảm số bán sẽ tiếp theo sự ổn định, rồi tiếp đó là biến mất hẳn. Chính như thế mà lí thuyết vòng đời sản phẩm đã xuất hiện trong thế giới của khoa học kinh tế và quản lí.

Lí thuyết này xuất phát từ một quan sát đơn giản: một sản phẩm ra đời, tăng trưởng, sống, suy tàn và chết đi như một hệ thống sinh động. Lợi thế chính của khái niệm là tạo điều kiện dễ dàng cho việc dự báo, chỉ cho những nhà ra quyết định trong một doanh nghiệp đâu là những mức thành tựu thương mại họ có thể đạt được trong tương lai với sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu khái niệm cơ bản là khá đơn giản thì những phát triển dẫn đến việc cấu trúc hoá lí thuyết phải tính đến một số lớn tham số. Phải vô cùng thận trọng vì không có một mô hình chung áp dụng nguyên si được cho mọi sản phẩm. Mặt khác không ai tránh được những điều kiện của môi trường có thể làm gián đoạn trước thời hạn đời sống của một sản phẩm, đó là chưa tính đến là ngay chính trong nội bộ của tổ chức có thể có những lí do để can thiệp vào đường biểu diễn vòng đời của một sản phẩm. Do đó, không thể có những xác suất chính xác về những tuổi thọ của sản phẩm. Cung sản phẩm là quá đa dạng và chịu những thay đổi thường xuyên, những điều kiện cạnh tranh cũng thay đổi và trong dài hạn tiến hoá của thị trường là không dự báo được.

Print Friendly and PDF