Từ nguyên của những từ chỉ quan hệ thân tộc

08:34 | 02/05/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Xin cho biết từ nguyên của những từ sau đây mà ông An Chi đã hứa trên Kiến thức Ngày nay là có dịp sẽ trả lời: tổ, cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, bá, cô, dì, cậu, mợ, thím, dượng, anh, chị, em, con, cháu, chắt, chút. Ba Bụt

Học giả An Chi: Xin trân trọng cám ơn bạn đã đồng hành với chúng tôi từ Kiến Thức Ngày Nay đến tận Năng lượng Mới. Sau đây là từ nguyên của những từ mà bạn đã nhắc.

Tổ: Từ Việt gốc Hán có tần suất khá cao trong tiếng Việt, với các danh ngữ quá quen thuộc như: tổ phụ, tổ quốc, tổ sư, tổ tiên, v.v… Chữ Hán là 祖.

Cụ: Từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 故, âm Hán Việt hiện đại là “cố”, có nghĩa là: “cũ, cổ xưa; chết”. Với nghĩa “chết”, nó hãy còn lưu tích trong từ “củ” của khẩu ngữ tiếng Việt, dĩ nhiên cũng với nghĩa là “chết” (thí dụ: Tên cướp khét tiếng đó giờ đã củ rồi). Đây cũng chính là chữ “cố” trong “cố lão”, có nghĩa là “người già cả có đức hạnh”, mà người Nam vẫn dùng (như ông cố, bà cố, cố đạo) để chỉ vai “cụ” của phương ngữ miền Bắc. Về hiện tượng “uô”, thì ta có nhiều trường hợp tương tự, lâu nay thỉnh thoảng vẫn có nêu ra.

Kỵ: Là biến thể ngữ âm của chữ kỳ 耆, nghĩa gốc là người già, người trên 60 tuổi.

Ông: Là âm Hán Việt của chữ 翁, dùng để chỉ/gọi người già cả thuộc nam giới.

Bà: Là âm Hán Việt của chữ 婆, dùng để chỉ/gọi người già cả thuộc nữ giới.

Bố: Là âm Hán Việt xưa của chữ phụ 父¸ là “cha”, như đã nhiều lần chứng minh ở những chỗ khác.

Cha: Là một từ Hán Việt có tự dạng là “trên phụ 父¸ dưới giả 者” (font của chúng tôi không có chữ này). Chữ này có một đồng nguyên tự là 爹, âm Hán Việt là tra, mà nếu đọc chệch kiểu “trch” thì cũng thành  “cha”.

Tía: Là âm Triều Châu của chữ tra 爹ø mà người Việt miền Tây Nam Bộ mượn để chỉ hoặc gọi cha.

Mẹ, má, mái, mụ, mợ: Là những từ gốc Hán bắt nguồn ở nhóm đồng nguyên tự ma 媽, mẫu 母, mỗ 姥, mà Vương Lực đã phân tích trong “Đồng nguyên tự điển” (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.104-105). Chúng tôi hẹn có dịp sẽ nói kỹ về nhóm này.

Chú: Là âm Hán Việt rất muộn của chữ thúc 叔 là chú, mà tiếng Việt đã đọc theo âm Bắc Kinh shù.

Thím: Là âm Hán Việt xưa của chữ thẩm 嬸, có nghĩa là… “thím”. Âm Quảng Đông của chữ này là “xẩm” và người miền Nam thường ghép với “thím” mà nói thành “thím xẩm” để chỉ phụ nữ Hoa kiều trước đây (nay là người Việt gốc Hoa).

Bác, bá: Bác là âm Hán Việt xưa của bá 嬸, có nghĩa là… “bác”.

Cô: Là âm Hán Việt của chữ cô 姑, có nghĩa là… cô.

Dì: Là âm Hán Việt xưa của chữ di 姨, có nghĩa là… dì.

Cậu: Là âm xưa của chữ cữu 舅, là … cậu.

Dượng: Lẽ ra phải viết giượng, bắt nguồn từ chữ trượng 丈 trong di trượng (= chồng của dì), cô trượng (= chồng của cô), muội trượng (= chồng của em gái), v.v…

Anh: Là biến thể ngữ âm của chữ huynh 兄 là… anh.

Chị: Bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 姊 mà âm Hán Việt hiện đại là tỉ, nghĩa là chị.

Em: Là âm xưa của chữ yếm, mà tự dạng là “nữ 女 bên trái, yêm 奄 bên phải” (font của chúng tôi không có chữ này), có nghĩa là tỳ nữ. Người tỳ nữ dùng từ emyếm để tự xưng rồi từ này dần dần mở rộng phạm vi sử dụng để chỉ những người có vai vế thấp kém, kể cả nam giới.

Con: Bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 棍÷, mà âm Hán Việt hiện đại là côn, dùng để chỉ bọn vô lại, những kẻ hư thân mất nết, tóm lại để chỉ những người có thân phận thấp kém trong xã hội hoặc tuy không thấp kém nhưng vẫn bị người nói nhìn bằng con mắt khinh thị, như đổ côn là con bạc, chẳng hạn. Trong tiếng Việt, chữ con này chỉ cả nữ giới lẫn nam giới, như con buôn, con nợ, con đòi, con hát, v.v... Thêm vào đó, lại có một sự lây nghĩa (contamination de sens) từ chữ côn 昆 trong côn trùng chỉ sự lúc nhúc, gợi ý sinh sôi nảy nở nên con trong con hát, con buôn, v.v... đã cho ra một nghĩa phái sinh mà ta thấy ở chữ con trong con trai, con gái, v.v…

Cháu: Bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 冑, mà âm Hán Việt hiện đại là trụ/trựu, có nghĩa là con, cháu. Giữa trụcháu, tương ứng ngữ âm “trch” là mối quan hệ hoàn toàn bình thường: – trảmchém, – trảnchén; – trạochèo; v.v… Mối quan hệ u/ưuau cũng bình thường như với các cặp bửubáu; – trứuchau (trứu mi 皺眉= chau mày); v.v... Còn thanh 6 (dấu nặng) và thanh 5 (dấu sắc) thì chỉ là hệ quả của sự phân hoá từ thanh khứ.

Chắt, chút, chít: Là 3 điệp thức (triplet), phân hóa từ chữ trất 姪 (có người đọc thành điệt), là tiếng mà phụ nữ dùng để chỉ hoặc gọi con trai, con gái của anh hoặc em trai. Vào tiếng Việt, đã có một sự chuyển biến ngữ nghĩa. Đây là chuyện bình thường trong ngữ nghĩa học lịch sử.

Dâu: Là điệp thức của từ tẩu 嫂, có nghĩa gốc là chị dâu.

Rể: Là điệp thức của từ tế 婿, có nghĩa là rể.

* * *

Cứ như trên thì toàn bộ các từ chỉ quan hệ thân tộc của tiếng Việt đều thuộc gốc Hán. Nhưng ta cũng chẳng cần phải tự ái rởm vì tiếng Pháp gốc vốn là tiếng Gaulois đã bị tiếng Latinh bình dân thay thế 100% mà dần dần trở thành tiếng Pháp hiện đại nhưng vẫn là một ngôn ngữ đã sinh ra một nền văn học rực rỡ và phong phú.

A.C